Bạn thường xuyên bị đau lưng lan xuống mông, đùi và bắp chân? Rất có thể bạn đang gặp phải chứng đau dây thần kinh hông to – một trong những nguyên nhân hàng đầu gây đau thần kinh tọa. Không chỉ ảnh hưởng đến khả năng vận động, bệnh lý này nếu không được điều trị kịp thời có thể gây teo cơ, liệt chi dưới hoặc rối loạn cơ tròn. Bài viết dưới đây sẽ giúp bạn nhận diện đúng bệnh, hiểu rõ nguyên nhân – triệu chứng, đồng thời gợi mở những phương pháp điều trị hiệu quả nhất từ Y học hiện đại và Y học cổ truyền.
I. Đau dây thần kinh hông to và nguyên nhân gây ra
Đau dây thần kinh hông to (TKHT) là bệnh lý khá phổ biến trong lâm sàng các bệnh nội khoa, do nhiều nguyên nhân gây ra. Nguyên nhân hàng đầu là do thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng (CSTL) gây chèn ép rễ L5 hoặc S1, trượt đốt sống, thoái hoá cột sống thắt lưng. Các nhóm nguyên nhân trên đều có thể xuất hiện đơn độc hoặc kết hợp với nhau trên cùng một bệnh nhân. Các nguyên nhân hiếm gặp hơn là mắc phải của cột sống thắt lưng: viêm cột sống, trượt đốt sống, viêm cột sống dính khớp, ung thư cột sống, chấn thương cột sống, khối u tại cột sống, dị dạng bẩm sinh cột sống: cùng hóa L5 – S1, gai đôi L5 – S1, lệch trục chi bẩm sinh.
II. Đối tượng thường gặp
Các yếu tố nguy cơ thúc đẩy gây bệnh bao gồm gia tăng tuổi, tình trạng béo phì, nghề nghiệp, hoạt động thể lực:
-
Tuổi tác: những thay đổi liên quan đến tuổi ở cột sống, chẳng hạn như thoát vị đĩa đệm và gai xương, là nguyên nhân phổ biến nhất của đau thần kinh tọa.
-
Béo phì: bằng cách tăng căng thẳng cho cột sống, trọng lượng cơ thể dư thừa có thể góp phần vào những thay đổi cột sống gây ra đau thần kinh tọa.
-
Nghề nghiệp: công việc phải xoay lưng, mang vác nặng hoặc lái xe cơ giới trong thời gian dài có thể đóng vai trò trong bệnh đau thần kinh tọa, nhưng không có bằng chứng thuyết phục nào về liên kết này.
-
Vận động: những người ngồi trong thời gian dài hoặc có lối sống ít vận động có nhiều khả năng mắc bệnh đau thần kinh tọa hơn những người năng động.
Người cao tuổi có nguy cơ cao đau thần hông to
III. Triệu chứng
1. Triệu chứng lâm sàng
Đau:
- Đau từ vùng thắt lưng xuống mặt sau đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mu chân, ngón cái (tổn thương kích thích rễ L5).
- Đau từ vùng thắt lưng lan xuống mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, xuống gót chân tận cùng ở ngón út (tổn thương kích thích rễ S1).
- Cách thức bắt đầu: đau xuất hiện tự nhiên hoặc sau vận động quá mức cột sống, không có tiền sử ngã hoặc chấn thương rõ rệt.
- Các yếu tố ảnh hưởng: đau tăng khi vận động, giảm khi nghỉ ngơi.
- Tính chất đau: mức độ đau tùy trường hợp có thể biểu hiện bởi cảm giác đau âm ỉ hoặc dữ dội, cảm giác nặng, cảm giác tê bì, kim châm.
- Thời điểm đau: hầu như có liên quan đến thay đổi thời tiết.
Rối loạn cảm giác:
Tổn thương rễ L5: giảm cảm giác mặt sau đùi, mặt trước ngoài cẳng chân, mu chân, ngón chân cái (còn gọi là đau TKHT kiểu L5).
Tổn thương S1: giảm cảm giác mặt sau đùi, mặt sau cẳng chân, bờ ngoài bàn chân út (còn gọi là đau TKHT kiểu S1).
Rối loạn vận động:
- Tổn thương rễ L5: gây yếu các cơ duỗi chân và các cơ xoay bàn chân ra ngoài làm bàn chân rũ xuống và xoay trong. Bệnh nhân không đi được bằng gót chân.
- Tổn thương rễ S1: gây yếu cơ gấp bàn chân và các cơ xoay bàn chân vào trong làm cho bàn chân có hình “bàn chân lõm”. Bệnh nhân không đi được bằng mũi chân.
Giảm trương lực cơ:
Giảm trương lực cơ và teo cơ ở vùng bị tổn thương.
- Cơ mông: nhìn xệ, nhẽo, nếp lằn mông mất.
- Cơ sau đùi, khối cơ cẳng chân trước, cẳng chân sau: mất độ săn chắc.
Rối loạn cơ tròn:
- Đại tiện, tiểu tiện không tự chủ.
- Có thể gặp rối loạn thần kinh thực vật: rối loạn bài tiết mồ hôi, nhiệt độ da giảm, phản xạ bài tiết vùng thần kinh hông kém, da, cơ loạn dưỡng, teo.
2. Cận lâm sàng
Các xét nghiệm cơ bản, thăm dò chức năng, giúp cho việc đánh giá bản chất, tính chất, mức độ của bệnh, quan trọng nhất là chẩn đoán hình ảnh gồm:
-
X – quang cột sống thắt lưng: chẩn đoán một số nguyên nhân gây chèn ép rễ TKHT như: dấu hiệu mất đường cong sinh lý, hình ảnh thoái hoá cột sống: mỏm gai, cầu xuơng, hẹp khe liên đốt sống.
-
Chụp bao rễ thần kinh: đây là một phương pháp tốt để chẩn đoán trước khi có chụp cắt lớp và chụp cộng hưởng từ. Trên phim ta có thể phát hiện dễ dàng hình ảnh thoát vị đĩa đệm (có thể thoát vị trung tâm hoặc thoát vị bên), hình ảnh chèn ép do tổn thương xương, hình ảnh hẹp ống sống hoặc các hình ảnh chèn ép khác.
-
MRI cột sống: phương tiện hiện đại nhất có thể phát hiện được tất cả các tổn thương về cột sống và đĩa đệm.
-
Điện cơ đồ: chẩn đoán định khu tổn thương và tình trạng một số cơ do dây TKHT chi phối.
-
Xét nghiệm dịch não tuỷ: thường có tăng nhẹ protein, khi có nguyên nhân chèn ép thì protein sẽ tăng cao, khi có viêm nhiễm thì có tăng tế bào.
XQ toàn trục giúp khảo soát toàn bộ cột sống
IV. Chẩn đoán và điều trị theo Y học hiện đại
1. Chẩn đoán
Chẩn đoán dựa vào triệu chứng cơ năng, thực thể và cận lâm sàng.
- Cơ năng: đau dọc theo đường đi của dây thần kinh hông to.
- Thực thể: hội chứng cột sống; hội chứng rễ thần kinh.
- Cận lâm sàng: chủ yếu dựa vào kết quả:
- Chụp X – quang CSTL
- Chụp cộng hưởng từ CSTL
2. Điều trị
Điều trị nguyên nhân: tùy theo nguyên nhân gây đau dây TKHT trên từng bệnh nhân mà có phương án điều trị phù hợp.
- Nghỉ ngơi: tránh các động tác mạnh đột ngột, mang vác nặng, đứng, ngồi quá lâu hoặc đi lại quá nhiều
- Vật lý trị liệu: hồng ngoại, lase, điện xung, siêu âm...
- Sử dụng thuốc:
Sử dụng thuốc giảm đau chọn một trong các thuốc trong bậc thang giảm đau của Tổ chức Y tế Thế giới: acetaminophen (Paracetamol, Efferalgan), Efferalgan codein, morphin. Tùy theo tình trạng đau có thể điều chỉnh thuốc cho phù hợp: thuốc kháng viêm không steroid: sử dụng một trong những thuốc sau: diclofenac, meloxicam, piroxicam, celecoxib. Tthuốc giãn cơ: mydocalm, myonal, các thuốc khác: các vitamin nhóm B hoặc Mecobalamin. - Điều trị ngoại khoa:
Chỉ định khi điều trị nội khoa thất bại hoặc những trường hợp có chèn ép nặng (hội chứng đuôi ngựa, hẹp ống sống, liệt chi dưới), teo cơ bệnh nhân sẽ được cân nhắc điều trị ngoại khoa.
V. Chẩn đoán và điều trị theo Y học cổ truyền
1. Châm cứu
- Đau theo đường kinh Bàng quang (đau kiểu rễ S1): Giáp tích L4, L5, S1, Thận du, Đại trường du, Thượng liêu, Trật biên, Thừa phù, Ân môn, Ủy trung, Thừa sơn, Côn lôn.
- Đau theo đường kinh Đởm (đau kiểu rễ L5): Giáp tích L4, L5, S1, Đại trường du, Thận du, Thượng liêu, Hoàn khiêu, Phong thị, Dương lăng tuyền, Huyền chung, Giải khê. Nếu đau ngón chân cái nhiều thì châm thêm: Thái xung, Hành gian. Nếu đau mặt sau đùi thì châm thêm Thừa phù, Ân môn.
- Nếu đau theo cả kinh Đởm và kinh Bàng quang thì châm theo các huyệt trên cả hai đường kinh.
Chú ý:
- Bệnh nhân thuộc thể phong hàn thì ôn điện châm hoặc cứu.
- Bệnh nhân thuộc thể phong nhiệt thì dùng điện châm.
- Nếu bệnh nhân thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư sử dụng điện châm và gia thêm các huyệt toàn thân: Can du, Thận du, Ủy trung.
- Nếu bệnh nhân thể huyết ứ sử dụng châm tả hoặc điện châm các huyệt tại vùng lưng đau và các A thị huyệt.

2. Xoa bóp bấm huyệt
Dùng các kĩ thuật xoa bóp như Xoa, Sát, Miết, Day, Ấn, Bấm, Véo, Lăn, Vỗ, Chặt, Rung, Phân, Hợp... Tuỳ vào vị trí đau, tình trạng căng cơ, biểu hiện đau của bệnh nhân mà ứng dụng điều trị phù hợp giúp giải toả các cơ vùng nông và sâu, thông kinh hoạt lạc, khứ ứ giảm đau.

3. Dùng thuốc
- Thể hàn tý
Triệu chứng lâm sàng:
- Tại chỗ: đau sau khi nhiễm lạnh, đau từ thắt lưng hoặc từ mông lan xuống chân, đi lại khó khăn, đau tăng khi lạnh, chườm ấm dễ chịu, thường có điểm đau khu trú, chưa có teo cơ.
- Toàn thân: sợ gió, sợ lạnh, tay chân lạnh, chân bên bị bệnh lạnh hơn bên lành, tiểu tiện trong, đại tiện bình thường, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù hoặc phù khẩn.
Pháp điều trị: Khu phong tán hàn trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.
Phương dược: “Đại tần giao thang”:
Tần giao 12g Bạch thược 12g
Cam thảo 8g Khương hoạt 12g
Xuyên khung 8g Phòng phong 12g
Đương quy 12g Độc hoạt 12g
Sinh địa 12g Bạch truật 12g
Tế tân 6g Bạch linh 12g
Thục địa 10g Trần bì 8g
Sắc uống ngày 1 thang.
Tán nhỏ, hoàn viên, ngày uống 12g hoặc sắc uống 1 ngày 1 thang.
-
Thể phong hàn thấp tý kèm can thận hư
Triệu chứng lâm sàng:
- Tại chỗ: đau vùng thắt lưng lan xuống chân theo đường đi của dây TKHT. Đau có cảm giác tê bì, tức nặng, bệnh kéo dài, dễ tái phát.
- Toàn thân: ăn kém, ngủ ít, tiểu tiện trong, chất lưỡi nhợt bệu, rêu lưỡi trắng dày và nhớt, mạch nhu hoãn hoặc trầm nhược.
Pháp điều trị: Khu phong tán hàn trừ thấp, hoạt huyết, bổ can thận.
Phương dược: “Độc hoạt ký sinh thang”
Độc hoạt 12g Ngưu tất 16g
Phòng phong 10g Đỗ trọng 12g
Tang ký sinh 12g Đảng sâm 12g
Tế tân 6g Quế chi 8g
Phục linh 12g Bạch thược 12g
Đương quy 12g Thục địa 12g
Cam thảo 6g Đại táo 12g
Trần bì 8g
Sắc uống ngày 1 thang. -
Thể thấp nhiệt
Triệu chứng lâm sàng: đau có cảm giác nóng rát, đau nhức như kim châm, chân đau nóng hơn so với bên lành, chất lưỡi hồng hoặc đỏ, rêu lưỡi vàng mỏng hoặc dày, mạch sác.
Pháp điều trị: Thanh nhiệt trừ thấp, hành khí hoạt huyết.
Phương dược: “Ý dĩ nhân thang kết hợp Nhị diệu tán”
Ý dỹ 12g Ngưu tất 16g
Thương truật 10g Cam thảo 6g
Khương hoạt 12g Đương quy 12g
Phòng phong 12g Hoàng bá 10g
Kim ngân hoa 16g Thương nhĩ tử 16g
Thổ phục linh 12g Trần bì 8g
Sắc uống ngày 1 thang. -
Thể huyết ứ
Triệu chứng lâm sàng: đau dữ dội tại một điểm, đột ngột lan xuống chân, chất lưỡi đỏ tím, có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng hoặc vàng, mạch sáp.
Pháp điều trị: Hành khí hoạt huyết khứ ứ, thông kinh hoạt lạc.
Phương dược: “Tứ vật đào hồng”
Sinh địa 12g Đào nhân 8g
Xích thược 12g Hồng hoa 8g
Xuyên khung 12g Quy vỹ 12g
Đan sâm 12g Ngưu tất 12g
Kê huyết đằng 10g Uất kim 8g
Trần bì 8g Cam thảo 6g
Sắc uống 1 ngày 1 thang.Điều trị đau dây thần kinh hông to kết hợp YHCT và YHHĐ
Đau dây thần kinh hông to là một bệnh lý phức tạp, cần phối hợp chặt chẽ giữa Y học hiện đại và Y học cổ truyền trong chẩn đoán và điều trị. Việc hiểu rõ nguyên nhân, nhận diện đúng triệu chứng và áp dụng phương pháp phù hợp là chìa khóa để kiểm soát hiệu quả và phòng ngừa biến chứng.