"Ngũ Lao" là học thuyết kinh điển trong Y học cổ truyền, chỉ năm trạng thái sinh hoạt quá độ có thể gây tổn thương khí huyết, ảnh hưởng đến chức năng tạng phủ như Tâm, Can, Tỳ, Phế, Thận. Việc duy trì những thói quen tưởng chừng vô hại như ngồi lâu, nhìn lâu, hay vận động quá mức có thể âm thầm làm suy yếu cơ thể. Vinmec Sao Phương Đông xin giúp bạn đọc hiểu rõ cơ chế bệnh sinh của "Ngũ Lao" không chỉ giúp người bệnh điều chỉnh lối sống, mà còn là bước nền trong dưỡng sinh, phòng bệnh theo tinh thần “trị vị bệnh bất trị dĩ bệnh” của Đông y.
1. Ngũ lao là gì?
“Ngũ Lao” (五劳) trong Y học cổ truyền là học thuyết chỉ năm trạng thái sinh hoạt quá độ gây tổn thương khí huyết, tạng phủ: Cửu thị thương Huyết, Cửu ngọa thương Khí, Cửu tọa thương Nhục, Cửu lập thương Cốt, Cửu hành thương Cân. Mỗi hành vi lặp lại quá mức đều có thể làm tổn thương công năng sinh lý cơ thể tương ứng. Hiểu đúng cơ chế bệnh sinh theo lý luận Y học cổ truyền giúp người bệnh điều chỉnh lối sống, phòng bệnh từ sớm.
1.1 Cửu thị thương Huyết (Nhìn lâu hại Huyết)

Theo Đông y, huyết chứa trong mạch, các mạch lại quy về mắt, mà tạng Tâm chủ về huyết mạch. Huyết sung túc, thông suốt thì thị lực sáng rõ. Việc “cửu thị” (nhìn lâu) – đặc biệt nhìn vật nhỏ, ánh sáng yếu hay tiếp xúc ánh sáng xanh lâu dài như nhìn vào điện thoại, máy tính lâu – khiến huyết tiêu hao, mắt không được nuôi dưỡng, dẫn đến hoa mắt, khô mắt, chóng mặt. Mặt khác, huyết hư bất dinh Can Mộc, dẫn đến Can huyết bất túc, ảnh hưởng cả đến giấc ngủ và kinh nguyệt.
1.2 Cửu ngoạ thương Khí (Nằm lâu hại Khí)

“Khí vi chủ soái chi công” – Khí là động lực cho mọi hoạt động sinh lý. Nằm lâu khiến dương khí bất hành, khí trệ huyết ứ. Phế chủ khí, chủ tuyên phát túc giáng, nếu không được điều dưỡng thông suốt thì dễ xuất hiện mệt mỏi, hô hấp yếu, toàn thân suy nhược. Người bệnh nằm lâu sau phẫu thuật hay tai biến cần đặc biệt chú ý phục hồi khí Phế.
1.3 Cửu toạ thương Nhục (Ngồi lâu hại Nhục)

Tỳ chủ cơ nhục, chủ vận hóa thủy cốc, giúp sản sinh khí huyết để nuôi dưỡng tạng phủ và cơ thể. Việc “cửu tọa” – ngồi lâu, ít vận động – khiến Tỳ khí suy yếu, cơ nhục mất nuôi dưỡng, biểu hiện đau mỏi, tê bì, béo bụng, tiêu hóa giảm sút. Về lâu dài dẫn đến Tỳ hư sinh thấp, xuất hiện các chứng phù thũng, tiêu chảy, ứ trệ.
1.4 Cửu lập thương Cốt (Đứng lâu hại Xương Cốt)

Thận chủ cốt sinh tủy, là gốc rễ của tiên thiên chi khí. Đứng lâu khiến Thận tinh hao tổn, nhất là ở người cao tuổi, lao động nặng. Triệu chứng điển hình là đau lưng, mỏi gối, yếu chân, chóng mỏi, nặng hơn có thể ảnh hưởng cột sống, khớp gối và khung chậu. Người Thận hư sẵn càng cần tránh đứng lâu gây hại đến xương cốt.
1.5 Cửu hành thương Cân (Đi nhiều hại Cân)

Can chủ cân, tàng huyết, huyết Can sung mãn thì cân gân linh hoạt. Việc vận động quá mức, “cửu hành”, khiến Can huyết bị hao tổn, gây đau nhức, co cứng, gân kém linh hoạt, đặc biệt ở người thể hư, người già hoặc người có Can khí uất.
2. Điều chỉnh thói quen sinh hoạt
Để phòng ngừa hiệu quả các tổn thương do Ngũ Lao gây ra, việc điều chỉnh lối sống hàng ngày đóng vai trò đặc biệt quan trọng. Một số nguyên tắc cần lưu ý:
-
Giảm thời gian nhìn màn hình điện tử: Hạn chế sử dụng máy tính, điện thoại liên tục, nghỉ mắt khoảng 2-3 phút sau mỗi 30 phút làm việc.
-
Không nằm nhiều: Cố gắng dậy sớm, vận động nhẹ mỗi ngày để duy trì tuần hoàn khí huyết, đặc biệt ở người bệnh sau phẫu thuật hoặc tai biến.
-
Không ngồi lâu: Cứ sau 30–60 phút ngồi làm việc nên đứng dậy đi lại hoặc vươn vai nhẹ.
-
Tránh đứng lâu: Người làm việc đứng nhiều nên chọn giày hỗ trợ, nghỉ giữa ca, xoa bóp nhẹ nhàng vùng lưng gối.
-
Vận động điều độ: Nên tập luyện phù hợp thể trạng, tránh vận động quá sức, đặc biệt với người cao tuổi hoặc người thể hư. Mỗi ngày nên rành ra tối thiểu 20-30 phút mỗi ngày cho vận động thể dục thể thao, duy trì tối thiểu 5 ngày/tuần.
Ngũ Lao không đơn thuần là thói quen xấu mà là cơ chế bệnh sinh có tính chất tích lũy, âm thầm nhưng bào mòn cơ thể theo thời gian. Dưới góc nhìn của học thuyết Tạng Tượng và Ngũ hành, việc điều chỉnh lối sống, kết hợp vận động hợp lý, ăn ngủ đúng giờ, tránh quá độ, chính là yếu tố căn bản trong dưỡng sinh và phòng bệnh.