1. Khái Niệm
Hội chứng ống cổ tay là tình trạng dây thần kinh giữa bị chèn ép trong ống cổ tay do tăng áp lực ở khoang cổ tay, khiến người bệnh đau, tê buốt bàn tay. Đây là hội chứng hay gặp nhất trong các bệnh lý chèn ép dây thần kinh ngoại vi.

2. Nguyên Nhân và Yếu Tố Nguy Cơ
Đa số hội chứng ống cổ tay là nguyên phát hay còn gọi là hội chứng ống cổ tay vô căn. Hội chứng ống cổ tay thứ phát thường do các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ sau:
-
Khối choán chỗ vùng ống cổ tay: Thường hiếm gặp như hạch, máu tụ, u mỡ, u bao gân của các cơ gấp.
-
Chấn thương: Gãy đầu dưới xương quay. Những chấn thương gián tiếp gây ra tụ máu.
- Nhiễm khuẩn: Lao thường diễn biến từ từ với biểu hiện của viêm bao gân gấp, nấm hoặc ở những người bị suy giảm miễn dịch.
-
Bệnh lý về khớp: Viêm khớp dạng thấp, gout.
-
Bệnh nội tiết: bệnh nhân đái tháo đường, các bệnh nhân bị suy giáp, bệnh to đầu chi.
-
Bệnh lý suy thận phải lọc máu chu kỳ: Những bệnh nhân chạy thận nhân tạo chu kỳ do suy thận giai đoạn cuối thường hay có nguy cơ mắc hội chứng ống cổ tay.
-
Béo phì: Béo phì làm tăng khả năng mắc hội chứng ống cổ tay cũng như mức độ nặng của bệnh.
-
Thai kỳ: Khoảng 33%- 50% phụ nữ mang thai có dấu hiệu lâm sàng của hội chứng ống cổ tay, Nguyên nhân là do ở phụ nữ có thai thường tăng ứ dịch ở khoang ngoài tế bào và gây chèn ép dây thần kinh giữa gây ra hội chứng ống cổ tay.
- Nghề nghiệp: Tỷ lệ mắc hội chứng ống cổ tay ở những người có công việc phải vận động cổ tay nhiều cao hơn hẳn so với những người ít vận động cổ tay.
- Yếu tố di truyền: Nghiên cứu gần đã cho thấy các yếu tố di truyền đóng vai trò nhất định trong bệnh lý hội chứng ống cổ tay thông qua tác động lên các gân cơ gấp và mô liên kết bao hoạt dịch.
- Các yếu tố tuổi, giới: Hội chứng ống cổ tay hay gặp nhất ở lứa tuổi từ 40 đến 60, ở nữ cao hơn ở nam giới.

3. Triệu Chứng Lâm Sàng
3.1. Rối loạn cảm giác
-
Bệnh nhân thường có cảm giác tê bì, dị cảm như kiến bò, đau buốt như kim châm hoặc đau rát bỏng ở vùng da (ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và một nửa ngón nhẫn).
- Các rối loạn cảm giác trong hội chứng ống cổ tay thường tăng nhiều về đêm . Những động tác gấp ngửa cổ tay quá mức hoặc tỳ đè lên vùng ống cổ tay, làm công việc có độ rung lớn, khi lái xe máy cũng làm tăng các triệu chứng đau và tê lên.
3.2. Rối loạn vận động
-
Bệnh nhân thường mô tả bàn tay trở nên yếu và vụng về hơn, khó cài nút khuy áo, hay làm rơi đồ vật khi cầm nắm.
-
Khám có thể thấy yếu cơ dạng ngón cái ngắn và cơ đối chiếu ngón cái
- Giai đoạn muộn hơn nữa có thể gặp biểu hiện teo cơ ô mô cái, thường biểu hiện teo cơ này chỉ xảy ra khi đã có tổn thương sợi trục của dây thần kinh.
3.3. Nghiệm pháp lâm sàng
Các nghiệm pháp hay được áp dụng trong lâm sàng để phát hiện hội chứng ống cổ tay bao gồm:
-
Tinel: bác sĩ sẽ dùng ngón tay hoặc búa phản xạ gõ vào dây thần kinh bị ảnh hưởng. Nếu dây thần kinh bị nén hoặc bị tổn thương, bạn sẽ cảm thấy ngứa ran lan tỏa ra bên ngoài. Cảm giác này còn được gọi là dị cảm.

-
Phalen: Yêu cầu người bệnh gấp hai cổ tay tối đa sát vào nhau trong vòng 60 giây. Nghiệm pháp dương tính nếu bệnh nhân xuất hiện hoặc làm tăng các triệu chứng đau và tê theo chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.

- Ấn vùng ống cổ tay: Người khám dùng một hoặc hai ngón tay cái ấn lên phía trên dây thần kinh giữa đoạn ống cổ tay của bệnh nhân trong 30 giây. Trong hội chứng ống cổ tay sẽ gây ra cảm giác tê hoặc đau theo chi phối của dây thần kinh giữa ở bàn tay.
4. Chẩn Đoán Phân Biệt
-
Hội chứng cơ sấp tròn (Pronator syndrome)
Rối loạn cảm giác này không tăng về đêm hoặc đi xe, tỳ đè như trong hội chứng ống cổ tay mà lại tăng lên khi làm động tác quay sấp cẳng tay. Hơn nữa triệu chứng cảm giác xảy ra cả ở vùng gan bàn tay và ô mô cái do nhánh thần kinh cảm giác da gan bàn tay cũng bị ảnh hưởng.
Các nghiệm pháp lâm sàng như Phalen, Tinel và ấn vùng cổ tay âm tính.
-
Tổn thương rễ thần kinh cổ
Các bệnh lý gây tổn thương rễ thần kinh vùng cổ đặc biệt C6 hoặc C7 có thể gây ra triệu chứng lâm sàng giống hội chứng ống cổ tay như đau và tê bàn tay.
Trong tổn thương rễ thần kinh cổ thường có triệu chứng đau ở vùng cổ, đau tăng khi vận động cổ, đau lan từ cổ xuống vai và tay.
5. Phương Pháp Điều Trị
5.1. Y Học Hiện Đại
a. Nội khoa
-
Nẹp cổ tay: hường dùng loại nẹp nhẹ để giữ cho cổ tay luôn ở tư thế trung gian nhưng các ngón tay vẫn hoạt động bình thường được. Sử dụng vào ban đêm và khi cần thiết để làm việc ban ngày. Nghiên cứu về sử dụng nẹp cổ tay vào ban đêm, ít nhất 6 giờ một đêm trong vòng 6 tháng cho thấy không những cải thiện về triệu chứng lâm sàng mà còn cải thiện được cả dẫn truyền thần kinh kéo dài tới 6 tháng .

-
Tiêm steroid tại chỗ: Tiêm steroid vào vùng ống cổ tay có tác dụng làm giảm phù nề của các bao hoạt dịch và tổ chức phần mềm trong ống cổ tay, làm giảm thiếu máu cục bộ dây thần kinh và giảm áp lực trong ống cổ tay dẫn đến cải thiện các triệu chứng lâm sàng cũng như dẫn truyền của dây thần kinh giữa trong hội chứng ống cổ tay. Phương pháp này được áp dụng rộng rãi cho những trường hợp mắc hội chứng ống cổ tay ở mức độ nhẹ và trung bình.
- Thuốc uống: Corticoid đường uống, Gabapentin, Thuốc chống viêm giảm đau không steroid, Lợi tiểu, Thuốc gây tê tại chỗ
b. Phục hồi chức năng
- Vật lý trị liệu: Một trong những cơ chế bệnh sinh của hội chứng ống cổ tay là có sự dầy dính và thâm nhiễm bao hoạt dịch các gân nên xoa bóp có thể cải thiện lưu lượng máu ở khu vực này và tăng cường sự chuyển động giữa gân và thần kinh, làm giảm sự kéo căng dây thần kinh.
- Bài tập dịch chuyển gân và dây thần kinh: Nhằm cải thiện vận động giữa các mô, làm giảm phù nề và cải thiện mạch máu nuôi dây thần kinh.
- Điều trị bằng siêu âm – điện phân: Những nghiên cứu gần đây đã chỉ ra rằng siêu âm trị liệu có hiệu quả hơn so với điện phân trong điều trị hội chứng ống cổ tay.
- Lase: Giúp giảm đau, kháng viêm, tăng tuần hoàn và tái tạo mô tổn thương.
c. Ngoại khoa
- Các phương pháp điều trị phẫu thuật
- Mục đích của các phương pháp điều trị phẫu thuật là mổ cắt dây chằng ngang ống cổ tay để giải phóng chèn ép cho dây thần kinh giữa.
- Trong hội chứng ống cổ tay vô căn thì chỉ định điều trị phẫu thuật khi:
- Hội chứng ống cổ tay mức độ trung bình và nặng.
- Điều trị nội khoa và các phương pháp khác thất bại.
5.2. Y Học Cổ Truyền
Theo Y Học Cổ Truyền, các nguyên nhân chính gây ra bệnh lý hội chứng ống cổ tay bao gồm:
- Bất nội ngoại nhân (lao động vận động theo thói quen lặp đi lặp lại nhiều lần) kết hợp ngoại tà (Phong, hàn, thấp, nhiệt) xâm nhập mà gây bệnh.
- Do ăn uống, làm việc không điều độ, sinh hoạt nam nữ quá sức hoặc do huyết dịch không đầy đủ (phụ nữ sau sinh, hoặc người mắc bệnh lâu ngày không được điều trị...) làm thể trạng suy giảm, vệ biểu hư yếu, khí huyết hư suy không nuôi dưỡng được, kinh lạc mất đi chức năng bình thường, khí huyết vận hành không thông, kinh lạc tắc trệ. Ngoại tà thừa cơ lúc vệ biểu suy yếu mà xâm nhập vào kinh lạc gây chứng đau, tê mỏi như kiến bò nặng hơn thì gây liệt yếu tay chân. Bệnh lâu ngày dẫn đến co rút gân cơ bàn tay, teo cơ, biến dạng các khớp, giảm khả năng vận động của bàn tay.
a) Khí trệ huyết ứ
- Triệu chứng: Nhẹ thì bàn tay tê bì, nặng thì tê lên cả cánh tay, đêm tê nhiều hơn.Chất lưỡi ám hồng có điểm ứ huyết, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm sác.
- Pháp điều trị: Hoạt huyết hóa ứ, thông kinh hoạt lạc
Bài thuốc: Tứ vật đào hồng
Đương quy: 8g
Xuyên khung: 8g
Sinh địa: 12g
Xích thược: 12g
Đào nhân: 12g
Hồng hoa: 6g
Cách dùng: Sắc uống ngày 01 thang, chia 2-3 lần
- Châm cứu: Dương khê, Nội quan, Hợp cốc, Lao cung, Khúc trì, Thủ tam lý, Huyết hải

b) Khí huyết lưỡng hư
-
Triệu chứng: da tại khu vực cục bộ trắng bợt, phát lạnh, tê bì các ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa, bàn tay hoạt động kém, teo cơ mô cái, hoạt động ngón cái giảm rõ. Chất lưỡi nhạt, rêu trắng mỏng, mạch tế sác.
-
Bài thuốc: Bát chân thang
Thục địa: 12g
Xuyên khung: 8g
Bạch thược: 12g
Bạch truật: 12g
Đương quy: 12g
Cam thảo : 6g
Bạch linh: 8g
Đăng sâm: 12g
Cách dùng: Sắc uống ngày 01 thang, chia 2-3 lần

-
Châm cứu: Dương khê, Nội quan, Hợp cốc, Lao cung, Khúc trì, Thủ tam lý, Thần môn, Đại lăng,...
c) Xoa bóp bấm huyệt
-
Bấm các huyệt: Bát tà, Hợp cốc, Ngoại quan, Nội quan, Khúc trì, Khổng tối.
- Dùng tay nọ bóp tay kia từ vai trở xuống đến bàn tay trong 1 phút với một lực tương đối mạnh. Tiếp đó dùng tay trái nắm cẳng tay phải, nắm hờ bàn tay phải rồi vận động gấp, duỗi và xoay khớp cổ tay từ trái sang phải và ngược lại trong nửa phút, đổi bên làm tiếp như vậy với khớp cổ tay trái. Dùng bàn tay trái nắm từng ngón tay của bàn tay phải rồi kéo với một lực khá mạnh sao cho phát ra tiếng kêu là được, đổi bên làm tiếp như vậy với các ngón tay của bàn tay trái.
- Vận động gấp, duỗi và xoay khớp khuỷu, khớp vai trong 1 phút. Cuối cùng là thực hiện động tác vẩy tay: đứng thẳng, hai chân giang rộng bằng vai, thả lỏng toàn thân, đồng thời đưa hai tay về phía trước sao cho ngón tay cái ngang bằng rốn (tạo với cơ thể một góc 45 độ), tiếp đó đưa tay xuống và ra sau sao cho ngón út không vượt quá mông, cứ làm đi làm lại như vậy trong 2 phút.
Xoa bóp bấm huyệt điều trị hội chứng ống cổ tay
Hội chứng ống cổ tay là một bệnh lý ngoại vi hay gặp, có thể ảnh hưởng lớn đến chất lượng cuộc sống và hiệu suất làm việc. Nhờ sự phối hợp giữa y học hiện đại và y học cổ truyền, việc điều trị có thể giảm triệu chứng nhanh, ngăn ngừa biến chứng. Người bệnh cần được khám bởi bác sĩ chuyên khoa để xác định nguyên nhân và lựa chọn liệu trì phù hợp, an toàn và hiệu quả.